Trang phục cổ bên con người mới, một bộ áo tấc, áo bào hay áo nhật bình… có thể lên đến hàng trăm năm tuổi, là minh chứng cho một thời kỳ vàng son của chế độ Phong kiến Việt Nam nhưng cũng chính là tình yêu, niềm đam mê với văn hóa, lịch sử của những con người trẻ sống trong thời kỳ hiện đại. Nhóm phóng viên có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với một trong số rất nhiều người trẻ có niềm đam mê với cổ phục Việt là bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga, 21 tuổi, người sáng lập và điều hành của Thủy Trung Nguyệt – một tiệm may đi đầu trong lĩnh vực cổ phục Việt. Được biết, bạn là một người trẻ đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc tìm hiểu, phỏng dựng, phổ biến cổ phục đến với mọi người, chúng tôi đã hẹn gặp và trao đổi với “người trẻ” này về những câu chuyện xoay quanh “Cổ phục và tân nhân”.
1.Bạn biết đến cổ phục như thế nào?
– Tại sao nhỉ….? Cái này mình phải cảm ơn 2 thứ: một là facebook, hai là Covid. Cả facebook và Covid đều là những thứ mang đến nhiều cái hại nhưng mà trong trường hợp đó lại là có lợi. Thứ nhất là về Covid thì, thực ra là cái phong trào Cổ phong đã diễn ra được khoảng hơn 10 năm gì đấy rồi, nhưng mà gần như không ai biết. Chính trong khoảng thời gian dịch Covid diễn ra thì mọi người có nhiều thời gian hơn để lên mạng và bắt đầu quan tâm tới những vấn đề mà trước giờ họ chưa bao giờ nghĩ đến. Mình quan tâm cổ phong thì lâu rồi, nhưng mà hơi bị đường cùng và kiểu bị hạn chế về tài liệu các thứ. Và thời gian đầu thì mình có thể quan tâm đến duy nhất cổ phong ở Nhật Bản thôi. Nhưng mà trong thời gian nghỉ dịch ấy, mình có thấy một cái drama (tranh cãi xảy ra trên mạng xã hội), đến từ một cửa hàng đặt may Việt phục. Mà mình thấy rằng cái vấn đề này có vẻ rất thú vị và mình đã tham gia vào cuộc tranh cãi đó và từ đó chị bắt đầu bén duyên với nghề này.
2.Nguồn cảm hứng từ đâu mà bạn có ý định gắn bó và phát triển với cổ phục Việt Nam tới tận bây giờ?
– Thật ra thì cái này nó là một cái duyên thôi. Khi mà mình biết đến cổ phục thì mình cảm thấy là Nhật Bản này, Trung Quốc, Hàn Quốc , những cái nước đồng văn xung quanh mình hay là kể cả bất cứ quốc gia nào trên thế giới này họ đều có hoạt động “cổ phong” làm rất là tốt. Chúng ta có thể thấy ở trên báo đài và các những MV âm nhạc chẳng hạn, thì đều thấy rằng bất cứ đất nước nào cũng những trang phục rất đặc trưng của mình. Thế nhưng mà Việt Nam từ xưa đến nay, chúng ta chỉ loanh quanh có áo dài, rồi khăn đóng, rồi khăn lươn.. Những cái thứ đó chúng ta đã xem nhàm cả mắt rồi. Mọi người cứ tưởng là 4000 năm văn hiến của chúng ta chỉ mặc như thế, từ thuở khai thiên lập địa. Nhưng mà thực tế đấy chỉ là một phần rất nhỏ trong y quan của nhà Nguyễn. Thế nhưng mà bởi sự hạn hẹp trong nghiên cứu cũng như là sự đứt gãy văn hóa, mà mình bị mất rất nhiều thứ. Thế nên mình mới nghĩ rằng là tại sao mình không coi nó vừa là một cái cơ hội kinh doanh và vừa coi nó nó là một trong những cái bước đệm để mình phục hưng lại nền cổ phong Việt Nam. Như thế nó không chỉ có những cái lợi ích mang tính kinh tế mà còn liên quan đến cả văn hóa, chính trị nữa nếu như nghĩ tới vấn đề này về lâu dài.
3.Có ý kiến cho rằng: “ Cổ phục Việt Nam là bản sao của Trung Quốc”. Bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
– Thực tế mình không bao giờ có thể từ chối cái sự ảnh hưởng của văn hóa Hoa hạ đối với cả Việt phục hay cổ phong Việt Nam. Thế nhưng mà, chúng ta nói ràng là : “Cổ phục mình là bản sao của Trung Quốc” thì rõ ràng là không đúng. Bởi vì là cho dù là học hỏi nhưng Việt Nam mình có rất nhiều những sáng tạo riêng. Ngay từ cái việc so sánh hoa văn của hai triều đại gần nhất, đấy là triều đại nhà Thanh của bên Trung Quốc và triều đại Nguyễn của Việt Nam thì để ý được rằng: đúng là chúng ta có rất nhiều những học hỏi nhưng không thể nào mà nói bộ hoa văn Đại Việt của nhà Nguyễn là bộ hoa văn của Trung Quốc được. Bởi vì, chúng có quá nhiều điểm khác nhau. Ngay từ con rồng là cái biểu trưng của thiên tử, nhìn vào con rồng nhà Thanh nó có một cái tinh thần khác, nhìn vào con rồng nhà Nguyễn lại có một tinh thần khác và ngay trên những đường nét của nó đã có rất nhiều sự khác nhau. Vậy thì, làm sao có thể nói được rằng là: con rồng nhà Nguyễn là bản sao của con rồng nhà Thanh, rồi Việt phục là bản sao của Hán phục được.
4.Từ cơ sở nào bạn có thể phục dựng được những cổ phục và liệu có khác biệt nhiều so với nguyên mẫu không ?
– Nói thế nào nhỉ, có lẽ bây giờ dùng từ phục dựng là chúng ta hơi vội rồi. Bởi vì là khi nói đến phục dựng là mình phải làm chuẩn xác về một hiện vật nào đấy về cả, số liệu, chất liệu, kĩ thuật thêu, may, hình dáng áo,..Để mà nói phục dựng thì với chị khó quá. Bây giờ, mình và tất cả những người khác đang làm vẫn là đang ở mức phòng dựng chứ từ trước tới giờ có một chúa duy nhất phục dựng lại được những trang phục ấy nhưng mà không nhiều. Mỗi chiếc áo đều tính bằng tiền tỉ. Khi mà phỏng dựng thì cơ sở mà mình phỏng dựng như mình đã nói là mình đang rất hạn hẹp về những tư liệu nghiên cứu. Hiện vật có, mình tìm được rất nhiều hiện vật nhưng mà thực sự để mà tiếp cận được đến với hiện vật ấy thì quá khó bởi vì nó hiếm, rất hiếm nên là không phải ai cũng có được mà nếu có thì có lẽ nó đang nằm trong kho của một bảo tàng nào đấy và muốn xem thì đâu phải ai cũng được xem. Hầu hết mình đều dựa vào tranh ảnh: tranh ảnh hiện vật, tranh ảnh cổ, những tư liệu được ghi chép vào. Đặc biệt mình còn dựa theo vào cả những cái hiện vật và cả những nghiên cứu từ các nước đồng văn khác. Bởi vì như mình đã nói mình ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ văn hóa Hoa Hạ và không chỉ mình mà có cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là những có liên quan. Thế thì mình dựa vào những hiện vật của Trung Quốc, dựa vào những tài liệu ghi chép của họ, dựa vào những ảnh hưởng của họ dẫn đến hình thái hiện giờ đối với cổ phục các nước khác. Từ đó suy ra được Việt Nam mình có những trường hợp, giả thuyết nào xảy ra và từ đó mình bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình
5.Theo bạn, cổ phục nên được khôi phục theo nguyên mẫu hay cách tân đổi mới theo thời đại. Đây cũng là một vấn đề hót trên các diễn dàn, người ta yêu cầu rằng bây giờ năng động hơn cần phải làm ngắn tà hay là mình có thể làm rộng tay ra. Bạn nghĩ sao vấn đề này?
– Mình thấy việc tranh cãi với vấn đề này hơi buồn cười. Mình cảm thấy là những người đang tranh cãi về vấn đề đề này họ đang không rạch ròi hai khái niệm là: thế nào là phục hưng và phát triển và thế nào là cách tân và tiến bộ. Nó là 2 thái cực, đường đi, nhánh rẽ hoàn toàn khác nhau và thực sự nó cần tồn tại song song với nhau, nó phải đi theo nhu cầu của con người. Giả sử như bên Hán phục họ cũng có cổ phục riêng và họ cũng có những cách tân riêng. Hay là bên Châu Âu là một nơi rất xa nhưng cổ phục của họ làm rất mạnh. Cái cổ phục ngày xưa của họ còn phức tạp hơn Việt Nam mình rất nhiều nhưng mà người ta vẫn có những cái Âu phục hiện đại thậm chí bây giờ Âu phục của người ta phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới nhưng họ vẫn duy trì được Âu phục cổ của họ rất tốt , thì nó là hai cái nhánh và mình cảm thấy so sánh hai nhánh đấy như kiểu so sánh thịt gà với thịt vịt ý.
Phóng viên: Vậy nếu như thế có nghĩ là mình có thể cách tân đi một chút, nó không với mục đích phục dựng, phục hưng mang nó với mục đích quảng bá văn hóa và làm đẹp thôi còn nếu đã phục dựng, phục hưng thì theo bạn là phải làm đúng?
– Thực ra cách tân nó cũng phải có những quy định của riêng nó để không mất đi những đặc trưng riêng bởi vì là cần phải hiểu cách tân để làm gì, cách tân một là để tiện hơn, 2 là để đẹp hơn. Mình biết một số nhà thiết kế hơi buồn cười 1 chút là họ nói họ cách tân trang phục nhưng mà đẹp hơn thì không, tiện hơn cũng không mà lái sang phong cách của các quốc gia khác thì cái đấy không gọi là cách tân, cái đấy gọi là xáo trộn rồi.
6. Đã có ý kiến cho rằng, nên đưa cổ phục thành đồng phục, bạn hãy cho biết cảm nhận của mình về ý kiến trên.
– Mình thấy việc biến một bộ áo dài trở thành một bộ đồng phục nó là điều bình thường, là một điều tốt. Ở Việt Nam để biến một bộ trang phục nào đó thành đồng phục mình thấy nó hoàn toàn khả thi và nó là một thứ đáng ủng hộ. Thứ nhất là, từ 4000 năm lịch sử, các cụ mình đã mặc như thế và hoàn toàn thích ứng với cách ăn mặc như thế và ngay cả chiếc áo tấc nó là tiện phục toàn dân vào thời Nguyễn. Tức là từ già trẻ, gái trai rồi thượng lưu hay hạ lưu và bất cứ những tầng lớp nào trong xã hội họ đều mặc áo này. Và thực ra nó không hề vướng víu, nó sẽ tùy theo nhu cầu của mỗi người, có loại ngắn, có loại dài, có loại bó tay, có loại rộng tay để làm lễ phục. Tức là bản thân áo cũng phù hợp với từng loại hoàn cảnh khác nhau của mỗi người, thì tại sao trong cái nền y quan rộng lớn như thế chúng ta lại không chọn cái nào để làm một bộ đồng phục hay mặc thường ngày.
Phóng viên: Vậy có nên biến nó thành quốc phục?
– Mình thấy biến nó thành quốc phục còn là điều rất vội, vì mình thấy văn hóa y quan của nó quá rộng, nhận định cổ phục nào đó trở thành một quốc phục thì nó hơi vội vàng. Trung Quốc họ cũng chưa xác định được quốc phục của người ta thì Việt Nam cũng không nên bàn đến vấn đề ấy vội.
7.Theo bạn thế hệ trẻ có trách nhiệm như thế nào trong việc phỏng dựng, bảo tồn, phát huy những bộ cổ phục?
– Với mình, mình chưa coi những gì bản thân làm là trách nhiệm mà cho rằng mình đang làm với hình thức là đam mê và truyền bá, lan tỏa đam mê của mình. Bởi vì mình nghĩ rằng việc lựa chọn đi theo cái mới hay cái cũ thì nó là quyền lựa chọn của mỗi người. Đi theo cái mới hay cái cũ nó đều có lợi ích riêng. Một số người họ cho rằng phải như Châu Âu mới là văn minh, tiến bộ. Mình tôn trọng những quan điểm ấy. Mình chỉ nghĩ đơn thuần là, nếu như mình phục hưng được nền văn hóa của Việt Nam thì có nhiều lợi ích hơn là việc mình cứ châu đầu chạy theo sự tiến bộ của văn minh nhân loại rằng là: cứ phải mặc comple, áo phông thì mới là tiến bộ. Đấy là quan điểm riêng của mình.
8.Bạn đã có những kế hoạch hay dự định gì trong tương lai để phát triển cổ phục Việt Nam mình chưa ?
– Có một sự thật khá là đáng buồn là, cái văn hóa mình bị mất quá nhiều trong suốt 4000 năm văn hiến như thế. Mình gần như gìn giữ được những thứ còn lại rất nhỏ nhặt, lẻ tẻ. Thực tế những gì mà ngày hôm nay bản thân mình và rất nhiều người trẻ khác đang làm, nó không phải là đang phục hưng đâu, mà là đang xây nền cho phục hưng thì là đúng hơn. Mọi người vẫn còn đang lỡ dở ở cái tình trạng là lần mò. Bời vì là những gì mà chúng ta có là tranh ảnh, là những hiện vật rất nhỏ lẻ, gần như không có một thứ gì liên quan đến cổ phục từ thời Lê Trung Hưng trở về trước. có những thứ tìm được chỉ là những cái áo táng, những cái áo mà không có đủ cơ sở lập luận để có thể chứng minh được rằng nó chính là một hiện vật đáng để tin cậy để phục hưng cả một nền văn hóa quá lớn như thế. Thực tế là bọn mình đang đi xây nền thôi. Thế nên là để mà nói về những dự kiến tương lai, mình và những người khác sẽ làm gì đối với cổ phục Việt Nam thì thực sự là phải xây cái nền xong đã rồi chúng ta mới có thể nghĩ đến những vấn đề tiếp theo. Ngày hôm nay, mình phải nói thật một điều là, khi làm mà không có hiện vật, nó rất là hoang mang, bối rối. Thậm chí là, mỗi khi mình có một cái ý kiến gì đấy, thì lập tức một thời gian ngắn sau thôi thì mình lại tìm được một bằng chứng, chứng cứ khác nói rằng là: lập luận này là lập luận này chưa đúng. Thế nên, những lần ấy cảm giác như là tất cả những gì mà mình đã làm nó sụp đổ ngay. Có những lần như thế nên nói thật là mình phải có một cái vững chắc đã rồi mới có thể tính được những chuyện tiếp theo.
9.Vậy thì điều khó khăn nhất trong việc khôi phục, kinh doanh, phổ biến loại trang phục dường như đã bị quên lãng là gì?
– Khó khăn chủ quan, trước tiên là mình còn bé quá, mình đang có một mình để làm doanh nghiệp này và kể cả những người xung quanh mình đang hoạt động lĩnh vực này thì lại rất ít, tất cả mọi người đang cống hiến là những gì mọi người tự thân làm ra, nó quá đơn lẻ, nó quá yếu, thực sự là mình chưa được nhà nước quan tâm nhiều và cộng đồng để hoạt động nó vẫn còn bé quá.
– Đó là về chủ quan, còn về khách quan thì nó có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là về sự tiếp nhận của nhân dân, có quá nhiều ý kiến trái chiều. Đối với thế hệ trẻ như các bạn (phóng viên) thì phần lớn các bạn rất ủng hộ, vì chúng ta là những người trẻ nên chúng ta rất có hứng thú với những giá trị cũ, nhưng hướng đến các đối tượng hơn tuổi một là những phụ huynh học sinh hầu hết họ lại có cái nhìn có phần tiêu cực là bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những tư tưởng hiện đại nên là bài trừ những cái cũ, họ cho rằng như thế là đồng bóng là cổ lỗ sĩ, nó không tân tiến, nó đi ngược lại cái mục tiêu họ hướng đến là sự tiến bộ. Rất nhiều bạn khách của mình sau khi đi mua đồ xong thì than vãn với mình là: chị ơi bố mẹ em thế này thế nọ, rồi hàng xóm người ta lời ra tiếng vào. Thậm chí có những bạn còn hơi đáng thương một chút, đấy là vừa mua đồ về xong, chưa cầm đến cái ống tay, bố mẹ đã bắt phải bán đi rồi, vì là bố mẹ không chấp nhận được những cái như thế. Họ cảm thấy nó lạ quá, mà những cái gì mà lạ thì người ta thường hay có những tư tưởng sợ hãi, căm ghét. Ngoài ra, còn cái khó khăn nữa đó là tiềm lực hiện giờ nó ít, đó là những sự liên quan đến kinh tế, sự ủng hộ,.. Và còn tới một khó khăn nữa như chị nói đó là tư liệu quá ít ỏi khiến cho mỗi lần mình làm việc đều rất sợ những nghiên cứu của mình còn chưa chính xác bởi vì mình làm cho khách hàng một thời gian sau mình lại tìm được một nghiên cứu khác nó phản bác nghiên của bản thân thì sao, tới lúc đấy, ai là người chịu trách nhiệm, nó có rất nhiều khó khăn.
10. Nếu có 3 điều để nói về cổ phục Việt Nam, bạn sẽ chọn những từ gì và tại sao?
- Đó là 3 từ: Đẹp, Ý nghĩa và Là cơ hội kinh doanh tốt….
Nga đã bỏ lửng câu hỏi cuối cùng của phóng viên, chắc hẳn chính bản thân Nga, phóng viên và độc giả cũng hiểu được vì sao mà bạn lại chọn những điều ấy. Cổ phục là trang phục cổ mà cha ông ta đã sáng tạo và sử dụng suốt những năm tháng của quá khứ, mỗi người trẻ chúng ta sẽ có cách nhìn khác nhau về nó nhưng trách nhiệm về gìn giữ và phát huy điều ấy thì lại là điều mà ai cũng cần phải làm.
Trò chuyện với Nga, phóng viên nhận ra rằng, đam mê không chỉ từ sở thích mà còn là trách nhiệm của một người trẻ với văn hóa lịch sử của tổ quốc. Qua phóng sự này, chúng tôi mong đem đến cho độc giả một góc nhìn trẻ trung về những trang phục đã “già nua”. Và hơn hết là lan tỏa được tình yêu với cổ phục Việt đến với mọi người.