Chuyện những đứa con nhà nghèo giúp Việt Nam rạng danh trên bảng vàng SEA Games 31
Họ làm phụ hồ, vớt rong, chạy xe ôm… Họ xuất thân với gia cảnh nghèo khó, đông anh em, nhưng có điểm chung là những đứa con nhà nghèo làm rạng danh thể thao Việt Nam ở SEA Games 31.
Hết ngày 17/5, Việt Nam đang độc chiếm bảng SEA Games 31 với 105 HCV, bỏ xa Thái Lan đến 62 HCV. Thành tích xuất sắc của thể thao Việt Nam có dấu ấn rất lớn của những đứa con nhà vượt khó.
Ở môn bơi, Việt Nam đã xuất sắc vượt chỉ tiêu với 7 HCV, trong đó có những kỷ lục để đời của những đứa con nhà nghèo như Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Huy Hoàng.
Câu chuyện của Thanh Bảo – chàng trai nghèo hoá “vua ếch” được Saostar đăng tải trở thành chủ đề hot cho người hâm mộ trong mấy ngày qua. Chàng trai xứ dừa (Bến Tre) khiến cho SEA Games 31 dậy sóng với tấm HCV 100 m ếch, đồng thời phá kỷ lục SEA Games. Đó là khoảnh khắc lịch sử khi 13 năm ròng rã thì bơi Việt Nam mới có một kình ngư giành vàng cự ly này.
Nhà Bảo nghèo khó nên bố mẹ em không thể đi Hà Nội cổ vũ cho em. Mẹ Bảo làm công việc lau nhà, dọn dẹp đồ thuê với mỗi giờ 40 nghìn đồng. Người bố từng hái dừa thuê, bây giờ sức khoẻ yếu nên chuyển qua buôn cau với mỗi ngày kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Thanh Bảo bơi ở SEA Games 31 với mơ ước giúp bố mẹ bớt khổ.
Nguyễn Huy Hoàng – chàng trai vàng làng bơi Việt Nam sinh trong gia đình có 6 người con và sống trên một chiếc thuyền ở sông Gianh (Quảng Bình). Lúc nhỏ, Huy Hoàng giúp bố mẹ vớt rong nuôi cá. Em đến với đường đua xanh sau những ngày bơi trên sông Gianh và mơ ước đổi đời.
Huy Hoàng đang rực sáng với 3 HCV ở SEA Games 31, trong đó có 2 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội và 2 kỷ lục SEA Games. Saostar nhận định Huy Hoàng còn có ít nhất 1 tấm HCV ở kỳ đại hội này.
Ở môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh lập hattrick vàng và phá một kỷ lục ở SEA Games 31. Cô bé cao 1,53 m từng suýt giải nghệ sớm khi mắc bệnh viêm cầu thận. Nhà Oanh nghèo với 8 người con và tuổi thơ đầy vất vả. Nhưng Oanh không đầu hàng số phận để trở thành niềm tự hào của điền kinh Việt Nam.
Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền giành HCV 400 m ở SEA Games 31. Đây là tấm HCV thứ 9 của Huyền ở sân chơi SEA Games. Cô gái Nam Định từng trải qua tuổi thơ cơ hàn, bố mất sớm và mẹ thường xuyên đau ốm, mỗi ngày đều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với công việc đồng áng.
Tô Thị Trang giành HCV hạng cân 48 kg nữ môn kurash. Đây là tấm HCV mở hàng cho thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Trang sinh ra trong một gia đình thuần nông. Hàng triệu người đã rưng rưng nước mắt khi biết Trang giành vàng xong thì người bố qua đời.
Hồ Thị Lý – tay chèo vàng của Rowing Việt Nam đã có 2 HCV ở SEA Games 31. Đông đảo người hâm mộ đều xúc động khi đọc bài viết về Hồ Thị Lý với sự phi thường trong cuộc sống: “Từ phụ hồ đến nhà vô địch SEA Games 31: Rạng ngời vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam”.
Rất nhiều câu chuyện khác ở SEA Games 31 về cuộc đời VĐV Việt Nam gây xúc động cho người hâm mộ cả nước. Tất cả đều nể phục những đứa con nhà nghèo trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam trên bảng vàng SEA Games 31.
Không có gì ngạc nhiên nếu đoàn Việt Nam giành ngôi nhất trên bảng vàng SEA Games 31. Ở đó, chúng ta cần cảm ơn sự nỗ lực vượt khó, sự phi thường, sự huy sinh thầm lặng của tất cả VĐV, HLV của Việt Nam. Và những đứa con nhà nghèo trở thành niềm cảm hứng lớn cho mỗi chúng ta trong cuộc sống.