Công chiếu từ ngày 24/12/2020, Người cần quên phải nhớ hiện chỉ đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng. Cùng với Võ sinh đại chiến, bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn bị thất bại doanh thu phòng vé nặng nề. Trong buổi tọa đàm chiều 10/1, Charlie Nguyễn tiết lộ phim của anh lỗ một triệu USD (23 tỷ đồng).
“Không thể đòi hỏi công bằng trong nghề làm phim”
Nhìn nhận về thất bại của Người cần quên phải nhớ, Charlie Nguyễn cho rằng: “Không có nhà sản xuất, đạo diễn nổi tiếng nào trên thế giới không bị thất bại. Điều này xảy ra đều đặn với mọi người. Tôi luôn nói với cộng sự rằng chúng ta sẽ làm hết sức có thể với dự án, còn kết quả thế nào là ông trời tính.
Charlie Nguyễn tiết lộ phim Người cần quên phải nhớ bị thua lỗ 1 triệu USD. |
Vì vậy, tôi không quá vui khi phim thành công nhưng không quá buồn nếu phim thất bại. Mỗi thất bại đều cho mình cơ hội học hỏi, bài học. Từ đó, tôi có thể làm tốt hơn ở những bộ phim sau. Tôi không nghĩ Người cần quên phải nhớ là một bộ phim tồi tệ. Nhưng nó không đáp ứng được nhu cầu của khán giả”.
Anh khẳng định có nhiều yếu tố dẫn tới bộ phim không thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của phim.
“Sau mỗi bộ phim, tôi thường cùng cộng sự ngồi lại, mổ xẻ, lý giải những điểm chưa được. Ở Người cần quên phải nhớ, phim chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả. Sau buổi ra mắt ở Hà Nội, tôi đã tìm được câu trả lời vì sao phim chưa hấp dẫn”, anh kể.
Trước câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa nhà sản xuất và rạp phim, nhà phát hành ồn ào trong thời gian qua, liệu có chuyện nhà phát hành xếp ít suất chiếu, Charlie cho hay: “Đó là sự thật. Trong công ty tôi có mấy bạn rủ nhau đi xem phim nhưng khi đến rạp không có suất. Thời gian chiếu nếu có lại rơi vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nhưng đây không phải là yếu tố quyết định phim thất bại”.
Đạo diễn cho hay luôn ngồi lại với ê-kíp nói về những thất bại. |
Anh lý giải: “Nhà sản xuất, nhà đầu tư thường cảm thấy khó chịu khi mình làm phim cực khổ trong cả năm lại bị xếp ít suất chiếu. Họ cho rằng như vậy là bất công. Tôi nghĩ không bao giờ có công bằng trong nghề này. Khó khăn, gian nan và áp lực lớn đến với mọi người, từ nhà sản xuất, rạp, nhà phát hành. Đòi hỏi công bằng trong nghề này là không thực tế.
Khi phim thành công, các rạp đều xếp nhiều suất, thậm chí mỗi suất cách nhau 15 phút, có ai ý kiến nên giảm suất chiếu của mình, tăng suất cho phim khác? Nên khi thất bại cũng không nên thắc mắc tại sao phim bị xếp ít suất chiếu. Khi mình thất bại, phim khác thành công thì nên vui cho họ bởi họ xứng đáng. Họ cũng đã trải qua bao nhiêu lần thất bại mới được hân hoan như vậy”.
Theo Charlie, phim nào thành công nên để cho tác phẩm đó được tiếp cận với nhiều khán giả. “Bộ phim tốt, được khán giả đón nhận sẽ giúp kích cầu cho thị trường điện ảnh. Với bộ phim không thành công, cứ cố gắng kêu gọi khán giả đến ủng hộ sẽ mang lại cảm xúc tiêu cực”, anh nói.
Với suy nghĩ bước vào điện ảnh và chấp nhận những khắc nghiệt của cuộc chơi đó, Charlie Nguyễn cho hay anh sẽ không than vãn, kể khổ khi phim bị thất bại.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng kêu gọi khán giả ủng hộ phim Việt là không đúng. |
“Khi làm phim tôi chỉ quan tâm tác phẩm được khán giả đón nhận hay không. Còn chuyện thiếu tiền, mắc nợ, tôi nghĩ không nên nói. Đây là cuộc chơi, mình đã vào cuộc chơi thì phải gánh chịu tất cả. Mình không thể xin khán giả mua vé. Khán giả bỏ tiền xem phim vì họ thích.
Kêu gọi khán giả đi xem vì nhà làm phim khổ không đúng đâu hay kêu gọi ủng hộ phim Việt cũng không đúng. Đúng nhất là khán giả đi xem vì bộ phim. Đã làm phim, nhà sản xuất phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần thép. Nếu cứ sống với thất bại, than thân trách phận, chấn động tâm lý sẽ rất đau khổ. Thay vào đó, nhà làm phim nên rút ra bài học và đi làm phim khác”, đạo diễn Dòng máu anh hùng bộc bạch.
“Phim thất bại vì nhà làm phim chưa kể câu chuyện hay”
Trong buổi tọa đàm, Charile Nguyễn cũng nhìn nhận thẳng thắn về những hạn chế cụ thể của Người cần quên phải nhớ. Anh thừa nhận bộ phim chưa chạm đến trái tim khán giả vì nhân vật không khiến người xem yêu thích, đồng cảm. Và thực tế, hai nhân vật chính Loan (Hoàng Yến Chibi) và Bình (Trần Ngọc Vàng đóng) được xây dựng chưa đủ thuyết phục.
“Tại sao khán giả phải thương một anh chàng muốn làm giang hồ? Tại sao phải thương cô nhà báo dùng cái chết của ba để có bài lên trang nhất, thăng tiến trong công việc. Khi nhân vật không đủ gắn kết với khán giả, họ mất nhau, yêu nhau, người xem cũng không quan tâm. Tôi thừa nhận cảm xúc trong phim bị lơ lửng, không thể đẩy lên được cao trào”, anh nói về những điểm yếu của phim.
Đạo diễn Charlie Nguyễn thừa nhận phim thất bại vì chưa chạm đến trái tim khán giả. |
Trước những câu hỏi về nguyên nhân thất bại của phim có thể đến từ poster xấu, chiến dịch marketing yếu, Charlie Nguyễn phủ định.
Anh cho hay: “Khi một bộ phim thất bại, người ta đổ lỗi cho marketing, rạp, diễn viên, nhà phát hành… Tôi nghĩ bộ phim thất bại vì chính câu chuyện chưa chạm tới trái tim khán giả. Nhà làm phim chưa kể một câu chuyện đủ hay.
Trước đây, Em chưa 18 từng có một poster xấu khủng khiếp nhưng phim vẫn thành công. Trailer dở, không có gì thu hút cũng không phải lý do đúng. Khi tôi làm Để Hội tính, lập kỷ lục doanh thu phòng vé nhưng bộ phim không có teaser, trailer”.
Nói về thời điểm ra mắt, Người cần quên phải nhớ bị cạnh tranh với Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử cũng khiến doanh thu phim bị sụt giảm, anh chia sẻ: “Rạp luôn ưu ái cho phim ăn khách hơn. Nếu là chủ rạp, mình cũng sẽ làm như vậy.
Muốn thành công ở phòng vé, chúng ta phải làm một bộ phim mà khán giả muốn xem. Không thể đòi hỏi nhà phát hành phân chia suất chiếu công bằng. Em chưa 18 khi ra mắt cũng đụng nhiều phim lớn, nhưng vẫn trở thành hit. Sự cạnh tranh ảnh hưởng đến doanh thu nhưng không quyết định đến thành công hay thất bại”.
Anh cho rằng nhà làm phim không nên than khổ, đòi công bằng. |
Sau thất bại của Người cần quên phải nhớ, câu hỏi đặt ra: Charlie Nguyễn có tiếp tục hợp tác với Đức Thịnh? Đạo diễn Việt kiều trải lòng: “Sau khi làm với Thanh Sơn thành công, tôi vẫn có xu hướng làm việc với đạo diễn khác. Tôi không nghĩ ai làm phim hot thì chỉ sản xuất phim cho người đó. Tôi muốn làm với nhiều người khác”.
Theo anh, sự kết hợp giữa hai đạo diễn có cách làm, tư duy khác nhau mới mang lại nhiều điều thú vị, thu hút. “Nếu tìm một đạo diễn giống mình, tôi nên làm luôn. Mỗi đạo diễn sẽ có những điểm hay khác nhau. Tôi hy vọng Đức Thịnh sẽ thành công ở những phim tiếp theo. Và sau Người cần quên phải nhớ, Thịnh làm phim khác và mọi người sẽ nhìn cậu ấy với ánh mắt khác”, anh nói.