Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam mong rằng thông qua Hội thảo sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân, nhất là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tập luyện, thi đấu môn Võ cổ truyền nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, xây dựng nhân cách, đạo đức, truyền thống văn hoá cho các thế hệ người Việt Nam; Đánh giá kết quả triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020", rút ra những bài học kinh nghiệm để có những giải pháp hiệu quả nâng cao sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.
Được biết, Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định năm 2023. Do đó quy mô và thành phần tham dự dự kiến khoảng 200 người gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia và đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hoá và Thể thao), Liên đoàn/Hội Võ cổ truyền (võ thuật) các tỉnh/thành, ngành; Ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Tại Hội thảo, Ban tổ chức sẽ Báo cáo kết quả triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020" và phần lớn thời gian sẽ dành cho thảo luận để các thành viên tham dự bàn về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.
Cụ thể, nội dung thảo luận sẽ xoay quanh các vấn đề chính như:
Giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển Võ cổ truyền Việt Nam: Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Võ cổ truyền Việt Nam; Nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và nhân rộng các mô hình bảo tồn bài quyền cổ, lò võ cổ, võ miêu, võ đường Võ cổ truyền Việt Nam; Cơ chế, chính sách đối với các võ sư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, khôi phục và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam.
Đầu tư nguồn lực phát triển Võ cổ truyền Việt Nam: Xã hội hoá và đầu tư nguồn lực phát triển Võ cổ truyền Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo án và đào tạo cử nhân chuyên ngành Võ cổ truyền Việt Nam; Đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý, trợ giáo, võ sư, trọng tài, huấn luyện viên, hướng dẫn viên Võ cổ truyền Việt Nam.
Nâng cao chất lượng phát triển phong trào Võ cổ truyền Việt Nam: Nghiên cứu, chuẩn hóa hệ thống kỹ thuật căn bản Võ cổ truyền Việt Nam và biên soạn tài liệu hướng dẫn tập luyện môn Võ cổ truyền phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, thể trạng của mọi lứa tuổi; Nâng cao chất lượng phong trào Võ cổ truyền Việt Nam trong hệ thống trường học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Ứng dụng Võ cổ truyền Việt Nam trong chương trình rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn và huấn luyện thể thao ứng dụng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp về Võ cổ truyền Việt Nam: Xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội Võ cổ truyền Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phối hợp xây dựng, củng cố Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam và Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại các châu lục, khu vực; Công tác quản lý, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về Võ cổ truyền Việt Nam.
Xây dựng và nâng cao chất lượng giải thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam: Hệ thống đai, đẳng trong Võ cổ truyền Việt Nam; Xây dựng và nâng cao chất lượng giải thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam cấp tỉnh, thành, ngành và cấp quốc gia; Xây dựng hệ thống thi đấu giải quốc tế (khu vực, châu lục và thế giới).
Tuyên truyền và hợp tác quốc tế phát triển Võ cổ truyền Việt Nam: Hợp tác quốc tế về ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ thuật Võ cổ truyền Việt Nam; Quảng bá Võ thuật cổ truyền Việt Nam theo Chiến lược của Chính phủ về ngoại giao văn hoá đến năm 2030.
Ngoài ra, Hội thảo hoan nghênh, chào đón các báo cáo, sáng kiến liên quan khác góp phần thúc đẩy sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam.
Để Hội thảo diễn ra đạt chất lượng cao, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ban hành kế hoạch và phân công cụ thể cho các thành viên. Theo đó, để xây dựng báo cáo bằng hình ảnh, đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hoá và Thể thao), Liên đoàn/Hội Võ cổ truyền (võ thuật) các tỉnh, thành phố, ngành gửi các tư liệu (ảnh chụp, video clip) về hoạt động Võ cổ truyền Việt Nam của các cơ sở, đơn vị, địa phương mình cho Ban tổ chức.
Ban tổ chức trân trọng kính mời các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và đại diện các địa phương, đơn vị liên quan tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thời hạn gửi bài viết, tư liệu trước ngày 22/7/2023 theo địa chỉ: bà Nguyễn Thị Chiên, Phòng Thể dục thể thao cho mọi người, Cục Thể dục thể thao; điện thoại: 0915711619 hoặc ông Trần Việt, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; điện thoại: 0904.197.782; Địa chỉ hộp thư: ldvtctvn.office@gmail.com./.
Thùy An
Theo tdtt.gov.vn