Nhiều địa phương trên toàn quốc đang triển khai cấp Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp cho người dân. Theo đó, mẫu CCCD gắn chíp được cấp theo Thông tư 06/2021/TT-BCA và số thẻ CCCD gắn chíp gồm 12 số được cấp theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân 2014.
Chỉ cần nhìn vào số thẻ CCCD của một người nào đó chúng ta sẽ biết được ba thông tin quan trọng của họ, đó là nơi công dân đăng ký khai sinh, giới tính và năm sinh. Nguồn ảnh: Hà Nội Mới
Cũng theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 thì số thẻ CCCD là số định danh cá nhân – được dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân. Còn theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015 và Thông tư 07/2016 của Bộ Công an thì số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, thể hiện các thông tin cụ thể như sau:
– Ba số đầu tiên trên CCCD là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh (ví dụ: Mã TP.HCM là 079, TP. Hà Nội là 001…)Nếu một người có thẻ CCCD như trên thì họ là nữ, sinh năm 1994 và có khai sinh ở TP.HCM. Nguồn ảnh: Thư viện Pháp luật
– Chữ số tiếp theo là mã thế kỷ sinh, mã giới tính của công dân (là số tương ứng với giới tính và thế kỷ công dân được sinh ra). Cụ thể: Công dân sinh trong Thế kỷ 20 (từ 1900 đến hết 1999): Nam 0, nữ 1; Công dân sinh trong Thế kỷ 21 (từ 2000 đến hết 2099): Nam 2, nữ 3; Công dân sinh trong Thế kỷ 22 (từ 2100 đến hết 2199): Nam 4, nữ 5; Công dân sin trong Thế kỷ 23 (từ 2200 đến hết 2299): Nam 6, nữ 7; Công dân sinh trong Thế kỷ 24 (từ 2300 đến hết 2399): Nam 8, nữ 9.
– Hai chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân, được thể hiện bằng hai số cuối năm sinh của công dân (ví như: Công dân sinh năm 1999 thì mã năm sinh của công dân sẽ là 99).
– Cuối cùng, sáu số tiếp theo là khoảng số ngẫu nhiên (012345; 999999…)Người dân TP.HCM tranh thủ đi làm CCCD có gắn chip vào buổi tối. Nguồn ảnh: Nhật Linh/Thanh Niên
Như vậy, theo thông tin như trên thì chỉ cần nhìn vào số thẻ CCCD có gắn chip của một người nào đó chúng ta sẽ biết được ba thông tin quan trọng của họ, đó là nơi công dân đăng ký khai sinh, giới tính và năm sinh.
Bộ Công an khẳng định: “Chip gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin”.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Công an, việc gắn chip điện tử trên thẻ CCCD nhằm lưu trữ các thông tin của công dân với mục đích tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử, chính phủ số.
Bộ Công an còn thông tin thêm, thẻ CCCD gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… Và khi đổi sang thể CCCD có gắn chip người dân sẽ được cấp giấy xác nhận số CMND nên các giao dịch trước đó hoặc giao dịch mới có liên quan đến số CMND cũ vẫn được thực hiện bình thường và không bị ảnh hưởng gì.
TỪ NĂM 2020, TẤT CẢ TRẺ SƠ SINH SẼ ĐƯỢC CẤP MÃ SỐ ĐỊNH DANH
Nếu như trước đây, trẻ sơ sinh và dưới 14 tuổi sẽ phải sử dụng giấy khai sinh để chứng thực thì kể từ 2020, ngay khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ được cấp mã số định danh gồm 12 số. Đặc biệt, mã số định danh này chính là số thẻ Căn cước công dân của trẻ khi lớn lên.
Với mã số định danh sẽ theo suốt cuộc đời của trẻ sơ sinh thì Công an sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý công dân với hồ sơ điện tử…
Hà Thu