Với số lượng nhân viên kỹ xảo chỉ 9 người, đội ngũ “Everything Everywhere All At Once” đã tận dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện nhiều cảnh phim phức tạp.
Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, những công nghệ được hỗ trợ bởi AI đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người dùng smartphone và máy tính hiện đại.
Từ chatbot có thể trả lời mọi thứ người dùng hỏi đến những công cụ biến một vài dòng lệnh thành tác phẩm nghệ thuật, AI giờ đây đã “lấn sân” sang ngành sản xuất phim và trở thành trợ lý đắc lực cho các nghệ sĩ hiệu ứng.
Thành công của Everything Everywhere All At Once tại giải Oscar 2023 có công lớn nhờ nghệ sĩ hiệu ứng hình ảnh Evan Halleck. Ông đã sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo tiên tiến từ Runway để tạo hiệu ứng hình ảnh mà không tốn nhiều công sức.
Ví dụ, với cảnh sỏi đá trong phim, đoàn làm phim Everything Everywhere All At Once đã sử dụng màn hình xanh. Trong đó, họ dùng ròng rọc để đẩy đá, sỏi và cát về phía trước. Tuy vậy, khi cắt những hình ảnh này ra, mọi thứ trông rời rạc, mờ ảo.
“AI cắt chủ thể tốt hơn so với mắt thường”, ông nói. “Tôi có thể cắt các nhân vật ra khỏi khung hình, đặt gọn gàng trên một tấm ảnh trong vài phút, so với việc mất nửa ngày như trước kia”.
Theo Variety Magazine, từ sự phát triển của công nghệ deepfake cho đến việc sử dụng AI để dựng kịch bản, sự tham gia của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất phim ngày càng rõ rệt hơn. Halleck nhận định AI giúp dựng phim nhanh và rẻ hơn. “Kỹ thuật vẽ cảnh chuyển động (rotoscoping) là quá trình rất lâu và vất cả. Vì vậy, thật tuyệt khi tự động hóa mọi thứ”, ông nói.
Với nhóm kỹ xảo VFX chỉ gồm 9 người, Halleck buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế nhằm đẩy nhanh tiến độ. Ông tìm đến Cris Valenzuela, Giám đốc điều hành Runway, để sử dụng công cụ AI tối ưu việc dựng phim.
Trong phân cảnh Evelyn, nhân vật của diễn viên Dương Tử Quỳnh, lướt qua các vũ trụ trong vài giây, tất cả 300 cảnh đều được thực hiện thủ công. Halleck nói ông ước gì có công cụ AI sớm hơn. Trước khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đoàn làm phim đã mất nhiều tuần để xử lý, ghép cảnh.
CEO Cris Valenzuela đã chứng kiến sự phát triển của Runway khi thực hiện dự án cho New Balance, Alicia Keys và chương trình The Late Show with Stephen Colbert. Ông cho biết ngày càng nhiều nhà làm phim và nghệ sĩ hiệu ứng hình ảnh đang ứng dụng AI vào dự án của họ.
Theo ông, AI được sử dụng không chỉ vì tốc độ, mà còn giúp tự động hóa những khía cạnh tẻ nhạt và tốn thời gian trong dựng video, phim ảnh. Nó mang tính biến đổi vì giải phóng thời gian và chi phí, giúp tập trung vào các ý tưởng sáng tạo. “Công cụ AI biến ngày làm việc chỉ còn tính bằng phút”, ông nhận định.
Xu hướng sử dụng AI trong giải trí
Theo Forbes, tại Liên hoan phim Sundance 2023 cuối tháng 1, nhiều đạo diễn, biên tập viên và nhân viên hậu kỳ xác nhận đang sử dụng AI để tối ưu quy trình sản xuất phim cũng như chương trình truyền hình. Theo đó, sự bao trùm của AI trong lĩnh vực điện ảnh, giải trí chỉ mới bắt đầu. Điển hình như công ty giải trí Comcast đã nhận giải Emmy kỹ thuật cho việc ứng dụng AI nhằm nhanh chóng tạo các video nổi bật về thể thao.
Các ngôi sao và đạo diễn cũng đang chú ý nhiều hơn tới công nghệ khi chúng xuất hiện ở cả những góc chuyên biệt. Theo Meagan Keane, Giám đốc tiếp thị phần mềm chỉnh sửa video Adobe Pro, AI mở ra cánh cửa to lớn khi con người nghĩ về xu hướng của ngành phim.
Bà Keane cho rằng AI sẽ tăng cường khả năng sáng tạo của con người, thay vì thay thế hoàn toàn sức lao động như một số lo ngại. Các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể trao thêm quyền cho người có kỹ năng và tài nguyên.
Hiện nay, đối với người sáng tạo chuyên nghiệp, AI giúp giảm bớt tác vụ lặp đi lặp lại như lướt qua các cảnh quay, cho phép chỉnh sửa và tập trung vào bức tranh lớn.
Trong khi đó, Michael Cioni, quản lý cấp cao bộ phận đổi mới toàn cầu của Adobe kiêm nhà làm phim, nhận định: “Đến năm 2031, mọi tài sản điện tử được tạo ra để làm phương tiện truyền thông và giải trí sẽ xuất hiện trên các nền tảng đám mây, thay vì nằm ở ổ cứng, băng video hay thẻ nhớ”.