5 tác phẩm điện ảnh xứ Hàn lên án xã hội bất công khiến người xem khóc cạn nước mắt
Dưới đây là những bộ phim đã tái hiện lại những vụ án từng gây chấn động dư luận Hàn Quốc một thời bằng ngôn ngữ điện ảnh khiến người xem khóc cạn nước mắt.
Những bộ phim khai thác mặt tối của xã hội, đánh mạnh vào tình người và thực tế luôn khiến người xem không khỏi chấn động và ám ảnh. Nhiều tác phẩm đã trở thành “bom tấn” của điện ảnh châu Á và khiến khán giả không khỏi thổn thức, nghẹn ngào. Và trong số đó, không thể không kể đến 5 bộ phim trở thành cơn sốt phòng vé, lấy đi không ít nước mắt người xem dưới đây.
Hy Vọng – Hope (2013)
“Hope” được dựng lại dựa trên một vụ án có thật năm 2008. Lấy bối cảnh vụ án và cuộc sống sau chấn thương của So Won (Lee Re) – cô bé bị một kẻ say rượu bạo hành và cưỡng hiếp khi chỉ mới 8 tuổi. Bộ phim kể vể cô bé So Won đã bị một kẻ lạ mặt bắt cóc và cưỡng bức trên đường đi học về. Bi kịch đó đã khiến So Won phải chịu đựng cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Không chỉ bị mất đi khả năng làm mẹ, đau lòng hơn, cô bé còn sợ hãi chính người cha của mình. Sau 13 năm, cách bản án cho tên tội phạm kết thúc vẫn khiến dân tình lên án không ngừng vì sự bất công đối với nạn nhân.
Hope không đơn thuần khiến người xem căm phẫn và xót xa với tội ác tày trời mà còn tập trung vào câu chuyện sau vụ án: Quá trình giúp So Won và gia đình hồi phục tâm lý sau những nỗi đau họ đã phải chịu đựng.
Sự Im Lặng – Silenced (2011)
Đây là một bộ phim tâm lý xã hội được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kong Ji-Young xuất bản năm 2009. Phim kể về hành trình tìm ra sự thật đầy gian khổ và ám ảnh của Kang In Ho (Gong Yoo) – một thầy giáo trẻ mới được bổ nhiệm về dạy nghệ thuật tại trường dành cho trẻ câm điếc ở thành phố Mujin. Trong quá trình dạy học và tiếp xúc với học sinh khiếm thính, In Ho cảm nhận được sự kỳ lạ trong thái độ và cách cư xử của những đứa trẻ này. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kong Ji Young, dựa trên câu chuyện có thật xảy ra từ năm 2000 – 2005 tại trường học dành cho trẻ em khiếm thính Gwangju Inhwa.
Bộ phim Silenced đã gây ảnh hưởng lớn và được trình chiếu cho tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Lee Myung Bak. Sau khi xem xét, tổng thống đã cho rằng xã hội cần có ý thức để bảo vệ những người khuyết tật, tránh nạn lạm dụng tình dục và đưa vấn đề tranh luận tại Quốc hội. Bộ phim Sự im lặng – Silenced không chỉ là một tác phẩm mang tính giải trí đơn thuần mà nó còn là công cụ có sức mạnh to lớn trong quá trình đấu tranh đòi công bằng cho trẻ em nói riêng và quyền của con người nói chung.
Mẹ Ơi Đừng Khóc – Don’t Cry Mommy (2012)
Nhiều khán giả rùng mình khi biết những tình tiết trong bộ phim Don’t cry, mommy (2012) đều dựa trên một vụ án có thật làm dậy sóng dư luận Hàn Quốc vào năm 2004. Đó là vụ cưỡng hiếp tập thể nghiêm trọng xảy ra tại Miryang, Nam Gyeong Sang. Nạn nhân là nữ sinh mới chỉ 15 tuổi và thủ phạm là 41 nam sinh.
41 nam thành niên, người vào đại học, người đi nghĩa vụ, thậm chí có người sau nhiều năm còn trở thành cảnh sát. Vụ việc đã khiến đông đảo người dân Hàn Quốc bất bình. Một cuộc biểu tình đã nổ ra và họ còn tổ chức một lễ cầu nguyện dưới ánh nến. Don’t cry, mommy là tiếng nói đòi sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Bộ phim lột tả một cách ám ảnh nỗi đau thể xác và tinh thần mà nạn nhân và gia đình phải chịu đựng.
Han Gong Ju
Han Gong Ju là bộ phim thứ hai dựa trên vụ án cưỡng bức rúng động Hàn Quốc giống Don’t cry mommy. Phim tái hiện cuộc sống khổ sở của nữ sinh Gong Ju, sau khi em cùng bạn của mình bị cưỡng hiếp tập thể bởi 41 nam sinh.
Người bạn kia vì quá đau đớn đã tìm đến cái chết. Dưới áp lực từ cha mẹ của các thủ phạm, Gong Ju buộc phải rời khỏi quê hương đến một nơi xa xôi, hẻo lánh. Tại trường học mới, em không dám kết bạn mà luôn sống trong đơn độc và sợ hãi. Ký ức kinh hoàng vẫn đeo bám Gong Ju, khiến em không thể theo đuổi mơ ước âm nhạc.
Bộ phim Han Gong Ju đã lên án gay gắt sự lạnh lùng, vô cảm của xã hội, sự lỏng lẻo của pháp luật. Những kẻ gây ra tội ác không được trừng trị thích đáng. Nạn nhân không những không được bù đắp mà còn bị đổ lỗi và xa lánh. Chính nỗi oan này đã đẩy họ vào bước đường cùng.
Memories of murder (Hồi ức kẻ sát nhân)
Năm 1986, tại tỉnh Gyunggi (Hàn Quốc), cảnh sát tìm thấy xác của 2 người phụ nữ, bị trói bằng đồ lót, bị hành hạ và hãm hiếp dã man. Vì thiếu kinh nghiệm phá án, hai thám tử địa phương là Park Doo Man và Cho Yong Koo đã dùng bạo lực tra khảo hàng loạt nghi phạm. Nhưng họ vẫn không tìm thấy bất cứ manh mối nào về kẻ thủ ác. Thám tử Seo Tae Yoon được cử đến từ Seoul để hỗ trợ cuộc điều tra. Trong khi các điều tra viên và cảnh sát còn lúng túng, số lượng nạn nhân tiếp tục tăng lên.
Bộ phim Memories of murder đã tái hiện toàn cảnh vụ giết người hàng loạt có thật tại thành phố Hwaseong, tỉnh Gyunggi. Từ 1986 đến 1991, có tổng cộng 10 người phụ nữ bỏ mạng. Họ bị kết liễu bởi cùng một phương thức. Cho đến nay, vụ án này vẫn là bí ẩn lớn vì danh tính thủ phạm chưa được đưa ra ánh sáng.
Bằng việc dựng lại một án hiếp dâm và giết người hàng loạt, Memories of murder đã phơi bày những thiếu sót trong công tác điều tra, phá án của cảnh sát Hàn Quốc thời điểm đó. Bộ phim còn phê phán lối phá án bằng bạo lực của các thám tử và điều tra viên.