Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Môn Đua thuyền buồm (Sailing): Cơ hội và tiềm năng phát triển

Cùng với một số VĐV của các môn như: Kun Khmer và Cờ Ok Chaktrong (Cờ ốc),.. đội tuyển Sailing (Đua thuyền buồm) Việt Nam lần đầu tiên được góp mặt ở một sự kiện thể tthao lớn nhất khu vực -SEA Games 32. Mặc dù không giành được kết quả nhưng mong muốn, nhưng những gì mà các VĐV Sailing Việt Nam học hỏi được ở sân chơi này rất khó có thể đo, đong, đếm được.

SEA Games 32: cơ hội để VĐV Sailing học hỏi, trau dồi chuyên môn

Tại SEA Games 32, môn Sailing được tổ chức từ ngày 3-8/5 ở Sihanoukville – cách thủ đô Phnom Penh gần 200km. Đây là giải đấu lớn đầu tiên của đội tuyển Sailing Việt Nam tham dự, là cơ hội để các VĐV Sailing trẻ Việt Nam được cọ xát thi đấu và học hỏi kinh nghiệm. Tranh tài tại SEA Games 32, đội tuyển Sailing Việt Nam gồm các VĐV: Bùi Nguyễn Lệ Hằng, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Bùi Tuấn Anh, Phạm Văn Mách, Tạ Bá Trọng dưới sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia Hàn Quốc Shin Lee Seop cùng ban huấn luyện gồm 2 HLV: Đặng Quyết Thắng, Nguyễn Văn Là.

Trong đội tuyển Sailing tham dự SEA Games lần này, Tạ Bá Trọng là gương mặt kỳ cựu nhất khi đã 6 năm gắn bó với môn thể thao này, còn lại đa phần đều là các gương mặt trẻ, kinh nghiệm thi đấu chưa có nhiều. Các VĐV Sailing Việt Nam thi đấu 4/9 nội dung.

Mặc dù thầy trò đội tuyển Sailing đã rất nỗ lực, chăm chỉ tập luyện nhưng trước các đối thủ mạnh, cùng với sự bỡ ngỡ của lần đầu tiên tham dự đấu trường quốc tế nên đội đã không giành được kết quả như mong muốn. Đây là kết quả đã được dự báo trước và không mấy bất ngờ trong cuộc đua tranh với những nước đã phát triển môn Sailing trong hàng chục năm như Singapore, Thái Lan… Sailing Việt Nam cần có thời gian để nâng cao thành tích và dù không giành được huy chương nào, nhưng SEA Games 32 sẽ là bước khởi đầu cho Sailing ở Việt Nam trong hành trình chinh phục những đỉnh cao. Bởi qua các sân chơi quốc tế sẽ giúp các VĐV Việt Nam cũng như các nhà chuyên môn có thể nhìn nhận một cách chính xác thực lực của mình, đồng thời học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu về chuyên môn cũng như công tác tổ chức, thi đấu… để từ đó có những kế hoạch tập luyện, cách thức huấn luyện phù hợp, hiệu quả, qua đó giúp cho môn thể thao này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đội tuyển Sailing trẻ Việt Nam chính thức được thành lập từ năm 2016, ban đầu chỉ có 6VĐV, đến nay con số này là 20. Các VĐV Sailing tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng. Theo chia sẻ của HLV Đặng Quốc Thắng: “Đây là môn thể thao biển, nên việc tập luyện rất khó khăn. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, mùa đông thường xuyên có sóng lớn, gió to. Trong quá trình luyện tập (rèn thể lực và chuyên môn), ngoài việc phải đảm bảo các yêu cầu của Ban huấn luyện (kỹ thuật, động tác…), các yếu tố thời tiết bất lợi, như gió to hoặc sóng lớn ập đến bất ngờ đều có thể nguy hiểm cho VĐV. Bên cạnh đó, hàng năm đội tuyển ít được cọ xát tại các giải đấu trong nước cũng như quốc tế (hiện mới chỉ có 1 giải trẻ quốc gia) nên trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu còn non trẻ. Ngoài những yếu tố trên, công tác đào tạo VĐV Sailing cũng phải là một quá trình lâu dài, trung bình phải mất ít nhất 6 năm đào tạo ,VĐV mới có thể tham gia thi đấu”. 

Tại SEA Gams 32, môn Sailing có 6 nước tham gia tranh tài. Thái Lan dẫn đầu bảng xếp hạng với 4 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Singapore (3 HCV, 4 HCB), Malaysia (2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ).

Tiềm năng phát triển của môn Sailing ở Việt Nam

Sailing là môn thể thao trên biển lành mạnh, hấp dẫn bởi đây không phải môn sử dụng động cơ, phương tiện, mà chỉ là con thuyền sử dụng sức gió, sức nước và sự khôn khéo của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, Sailing vẫn là môn thể thể thao còn khá mới mẻ và ít được biết đến ở Việt Nam.

Nói về cơ hội và tiềm năng phát triển môn thể thao này, ông Nguyễn Hải Đường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam cho biết: môn Sailing ở Việt Nam dù tuổi đời còn non trẻ, nhưng có đầy đủ tiềm năng phát triển, bởi nước ta có nhiều sông, hồ và đường bờ biển trải dài trên 3500km với nhiều bãi biển đep. Các điều kiện về gió, yếu tố con người (thể hình, sự dẻo dai, nhanh nhẹn)…

Sailing là môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Olympic. Do đó, phát triển môn Sailing không chỉ giúp nhân rộng phong trào, mà còn tạo thêm một hướng đi cho thể thao Việt Nam ở sân chơi quốc tế trong tương lai gần. Ngoài ra, phát triển Sailing cũng giúp mặt biển Việt Nam sinh động hơn, quảng bá du lịch tốt hơn với những cánh buồm như đàn hải âu bay lượn trên mặt biển”.

V.D

Xem thêm Thể thao